KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin trong tỉnh
Đăng ngày: 03/09/2023 - Lượt xem: 476
Xây dựng chính quyền vững mạnh

Tháng 8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với khí thế sôi sục, những đoàn người từ các địa phương đổ về tỉnh lỵ Hưng Yên, hiên ngang tuần hành, thị uy trên các đường phố, qua dinh Tỉnh trưởng tiến về sân vận động đấu tranh và tuyên bố xoá bỏ chính quyền thực dân, phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng. Ngày 23/8/1945, Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Hưng Yên ra mắt và đến ngày 25/8/1945, chính quyền cách mạng ở cơ sở trong toàn tỉnh đã căn bản được thành lập.

Cải cách thủ tục hành chính góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyềnTrong ảnh: Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả "một cửa" ở phường Quang Trung (thành phố Hưng Yên)
Phát huy thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, những năm qua, tỉnh Hưng Yên luôn chú trọng xây dựng hệ thống chính quyền trong sạch, vững mạnh. Kết quả công bố của trung ương hồi đầu năm cho thấy, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Hưng Yên xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố (tăng 39 bậc kể từ đầu nhiệm kỳ); Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số đo lường hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước (Sipas) xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (Papi) xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố.
Kết quả đó là do tỉnh và các địa phương kiên trì thực hiện các giải pháp xây dựng chính quyền theo phương châm chính quyền của dân, do dân và vì Nhân dân. Đặc biệt, khi Kế hoạch số 88-KH/TU ngày 5/2/2018 của BCH Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được ban hành đã tạo cơ sở quan trọng để hệ thống chính quyền từ tỉnh tới cơ sở được sắp xếp lại bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; các cơ quan hành chính nhận được sự tín nhiệm, hài lòng cao của người dân, doanh nghiệp.
Hiện nay, tỉnh ta có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, 161 đơn vị hành chính cấp xã. Việc xây dựng chính quyền địa phương các cấp được triển khai đúng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trong đó, đại biểu HĐND các cấp được bầu đủ về số lượng, đúng cơ cấu; tăng đại biểu hoạt động chuyên trách; chất lượng và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đại biểu HĐND được nâng cao. Cơ cấu tổ chức của UBND bảo đảm nguyên tắc làm việc tập thể của UBND, tạo điều kiện thực hiện việc giám sát của HĐND và lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên UBND. Trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của HĐND và UBND, điểm nổi bật là việc ban hành các nghị quyết của HĐND bảo đảm quy trình, thủ tục luật định. Đã chú trọng hơn việc lấy ý kiến Nhân dân và các chuyên gia, mang lại hiệu quả tích cực trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng của địa phương. Chất lượng tiếp xúc cử tri và tiếp nhận, giải quyết đơn tố cáo, kiến nghị của công dân ngày càng nâng cao. UBND các cấp thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng là cơ quan chấp hành của HĐND cùng cấp và cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương. Khắc phục khó khăn, thách thức, tận dụng tốt các thời cơ để tập trung công tác chỉ đạo, điều hành; có sự phân định trách nhiệm của cá nhân và tập thể UBND, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm của chủ tịch UBND.
Khâu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy là một điểm sáng trong xây dựng chính quyền. Đồng chí Lê Quang Hoà, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Đến nay, các sở, ngành đã được UBND tỉnh ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bảo đảm theo quy định; 10/10 UBND cấp huyện hoàn thành việc sắp xếp 12 cơ quan xuống còn 11 cơ quan chuyên môn thuộc thẩm quyền quản lý. Cùng với việc tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, tỉnh còn chú trọng công tác cải cách hành chính (CCHC). Đến nay, phần mềm quản lý văn bản và điều hành tại các cơ quan hành chính được liên thông từ trung ương đến cấp xã. Hệ thống Cổng dịch vụ công, Một cửa điện tử của tỉnh hoạt động ổn định, bảo đảm cho việc tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) của người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc xây dựng chính quyền vẫn còn một số hạn chế như: Phân cấp, phân quyền chưa thực sự rõ ràng; tư duy, kỹ năng thực thi công vụ của cán bộ, công chức chưa thực sự đổi mới. Hoạt động cung ứng dịch vụ hành chính công của chính quyền địa phương chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp. Một số yêu cầu, kiến nghị của cử tri gửi đến các cơ quan có thẩm quyền chưa được xem xét, giải quyết dứt điểm; việc đôn đốc, theo dõi kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri ở một số địa phương chưa kịp thời.
Để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính quyền địa phương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong thời gian tới cần có những giải pháp mang tính đột phá. Trong đó xác định rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương theo hướng quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của mỗi cấp chính quyền địa phương. Thực hiện tốt việc phân cấp, uỷ quyền và đề cao vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương. Phát huy chủ động, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động quản lý của từng cấp; làm rõ từng vị trí việc làm để phân công lao động và tinh giản biên chế hợp lý. Rà soát, sắp xếp các cơ quan thuộc UBND bảo đảm tinh gọn; khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh CCHC, nhất là cải cách TTHC theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp. Thực hiện tốt cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” phục vụ tốt cho người dân, doanh nghiệp. Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân thông qua vai trò tham gia xây dựng và giám sát, phản biện xã hội đối với việc ban hành, triển khai các nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương...
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan