KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin trong tỉnh
Đăng ngày: 31/08/2023 - Lượt xem: 1300
Thẩm định Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 31/8, tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh tổ chức phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Các đồng chí: Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phiên họp. Dự phiên họp có đồng chí Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Hùng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí lãnh đạo đại diện một số ban, bộ, ngành của Trung ương…
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa và đồng chí Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Trần Quốc Phương chủ trì phiên họp
Phát biểu khai mạc phiên họp,  Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: Hưng Yên là tỉnh thứ 9/11 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng hoàn thiện hồ sơ quy hoạch. Đây là cơ hội để kiến tạo không gian phát triển mới. Năm 2022, GRDP của Hưng Yên đứng thứ 16 cả nước, đứng thứ 7 khu vực Đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức như: Quy mô GRDP lớn nhưng theo đầu người thấp, độ mở của nền kinh tế còn thấp, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, năng suất lao động thấp, thu hút đầu tư chưa tương xứng, thiếu vắng công nghệ cao; sử dụng đất chưa hiệu quả, môi trường còn nhiều thách thức, huy động nguồn lực còn khó khăn. Do vậy, tỉnh cần có cách tiếp cận mới, tư duy mới; phát triển kinh tế - xã hội cần có trọng tâm, trọng điểm. Trong quy hoạch, tỉnh Hưng Yên cần có những giải pháp phù hợp với quy hoạch, tích hợp các nội dung quy hoạch tỉnh với quy hoạch vùng, quốc gia; phù hợp với Luật Quy hoạch nhằm khai thác vị thế, vai trò của tỉnh và của vùng; các giải pháp thực hiện, đánh giá môi trường chiến lược.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu khai mạc phiên họp
Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết: Thực hiện nhiệm vụ quy hoạch, tỉnh Hưng Yên triển khai lập quy hoạch tỉnh theo phương pháp tích hợp theo Luật Quy hoạch có sự phối hợp, hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương; các tỉnh, thành phố trong vùng và kế thừa kinh nghiệm trong nhiều năm. Quan điểm phát triển của tỉnh trong thời gian tới là phát triển dựa vào khai thác các lợi thế về vị trí địa lý của tỉnh; phát triển nhanh, tạo bước đột phá trên cơ sở thu hút các nhà đầu tư lớn, hình thành các khu chức năng quy mô lớn, đồng bộ, hiện đại; phát triển bền vững, bao trùm, gắn phát triển kinh tế với phát triển xã hội, bảo vệ môi trường, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với quá trình hội nhập quốc tế; phát triển Hưng Yên theo hướng đô thị xanh, thông minh, kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, từng bước phát triển hài hòa các tiểu vùng của tỉnh; phát triển kinh tế  - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Để thực hiện đạt các mục tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021-2030, tỉnh Hưng Yên xác định 3 đột phá chiến lược gồm: Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số; hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển và phát huy giá trị văn hóa để phát triển. Đồng thời, tỉnh xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện quy hoạch tỉnh.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa phát biểu tại phiên họp
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa đề nghị các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia tiếp tục hỗ trợ, tham gia ý kiến với tỉnh để hoàn thiện quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh.
Tiếp đó, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Văn giới thiệu khái quát nội dung quy hoạch tỉnh. Trong đó, nhấn mạnh việc phát triển xây dựng 3 đô thị trung tâm. Phát huy lợi thế để xây dựng các trục phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có 3 trục dọc gồm: Trục trung tâm là tuyến đường kết nối đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; Trục phía Đông là tuyến đường Tân Phúc – Võng Phan kết nối nút giao đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với tỉnh Thái Bình; Trục phía Tây là tuyến đường kết nối di sản, văn hóa, du lịch – phát triển kinh tế dọc sông Hồng. Ngoài ra, tỉnh xây dựng 8 trục ngang nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đến năm 2037, tỉnh Hưng Yên trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, gồm 3 quận, 2 thành phố, 5 thị xã.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Văn phát biểu tại phiên họp
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh và các chuyên gia đề nghị một số nội dung như: Đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên tiếp tục phối hợp với các ban, bộ, ngành đang tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng để cập nhật nội dung các quy hoạch, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống quy hoạch. Tiếp tục rà soát các nội dung tích hợp; xử lý các vấn đề liên ngành để bảo đảm có sự thống nhất giữa quan điểm, mục tiêu, phương án phát triển, bố trí không gian phát triển, số liệu và giải pháp thực hiện quy hoạch với nội dung quy hoạch tỉnh. Đề nghị làm rõ vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Hưng Yên đối với vùng Đồng bằng sông Hồng, nhất là xử lý vấn đề lao động việc làm nông nghiệp, nông thôn; tác động và ảnh hưởng các yếu tố, điều kiện đặc thù của mối liên kết vùng Thủ đô Hà Nội lên phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Rà soát, bổ sung phân tích cụ thể các yếu tố, điều kiện của vùng, quốc gia, quốc tế tác động đến phát triển của tỉnh trong thời kỳ quy hoạch; bổ sung nội dung phân tích xu hướng chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh hiện nay; tích cực thực hiện các cam kết quốc tế, trong đó có cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Đối với nội dung đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn, các thành viên Hội đồng thẩm định và các chuyên gia đề nghị bổ sung, làm rõ tăng trưởng công nghiệp, chất lượng tăng trưởng công nghiệp, tính hiện đại và khả năng nội địa hóa sản xuất công nghiệp. Đề nghị phân tích sâu về việc dịch chuyển lao động nông nghiệp sang các ngành không tác động nhiều đến cơ cấu ngành nông nghiệp trong nền kinh tế; làm rõ “điểm nghẽn” chính trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp khi yêu cầu phát triển ngành nông nghiệp sản xuất hàng hóa, tập trung với quy mô lớn hơn của tỉnh. Bổ sung thực trạng hoạt động du lịch tại không gian du lịch phía Bắc và không gian du lịch phía Nam của tỉnh để có cơ sở đề xuất phương hướng và giải pháp phát triển cho giai đoạn tới. Bổ sung số liệu cụ thể và so sánh năng suất lao động trong từng lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Rà soát, cập nhật số liệu đối với giáo dục và đào tạo của tỉnh. Bổ sung thông tin, đánh giá về thực trạng giáo dục chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật. Bổ sung phân tích về năng lực cung ứng dịch vụ y tế theo từng lĩnh vực. Đề nghị bổ sung các số liệu cụ thể để minh chứng; đồng thời bổ sung các đánh giá về tiềm năng đất đai cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Đề nghị đánh giá sâu về khả năng kết nối giữa hệ thống các loại đường quốc lộ và tỉnh lộ với hệ thống giao thông nội tỉnh; hệ thống các loại hình vận tải với nhau cho hoạt động logistics; khả năng kết nối của các khu dân cư với các khu dịch vụ, du lịch, thương mại và sản xuất tập trung với các trục giao thông chính...
Ngoài ra, Hội đồng thẩm định đề nghị lược bỏ và bổ sung một số chỉ tiêu cụ thể trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2031-2050 như tốc độ tăng trưởng GRDP, GRDP bình quân đầu người, chỉ tiêu tỷ lệ đô thị hóa, chỉ số phát triển con người. Nghiên cứu, bổ sung luận chứng xác thực đối với đề xuất tỉnh Hưng Yên sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2037.
Đối với đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch, các thành viên Hội đồng thẩm định và các chuyên gia đề nghị cân nhắc bổ sung nội dung nhận diện, đánh giá và dự báo tính chất và mức độ ảnh hưởng tiêu cực của hoạt động quy hoạch tỉnh Hưng Yên đến hiện trạng môi trường di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được công nhận là di sản văn hóa, đến các khu, điểm du lịch để đưa ra định hướng tổng quát về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trong kỳ quy hoạch.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá hồ sơ Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời, đề nghị tỉnh tiếp tục thực hiện các góp ý của các thành viên trong hội đồng và các ý kiến trong dự thảo báo cáo thẩm định Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Các chuyên gia phát biểu tại phiên họp thẩm định quy hoạch tỉnh Hưng Yên
Tại hội nghị, Hội đồng thẩm định nhất trí thông qua nội dung Quy hoạch tỉnh Hưng Yên với tỷ lệ 29/29 phiếu (đạt 100%) với điều kiện phải bổ sung, hoàn thiện; nhất trí thông qua nội dung đánh giá môi trường chiến lược Quy hoạch tỉnh Hưng Yên với tỷ lệ 29/29 phiếu (đạt 100%) với điều kiện phải bổ sung, hoàn thiện; nhất trí thông qua nội dung dự thảo báo cáo thẩm định Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với 29/29 phiếu (đạt tỷ lệ 100%).
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan