KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin trong tỉnh
Đăng ngày: 31/08/2023 - Lượt xem: 362
Phiên họp chuyên đề lần 2 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Ngày 30/8, tại Trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông, Uỷ ban quốc gia về Chuyển đổi số tổ chức Phiên họp chuyên đề lần thứ 2 với chủ đề “Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực”. Phiên họp được kết nối trực tuyến với điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì phiên họp. Đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh dự họp tại điểm cầu Hưng Yên.
Các đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu Hưng Yên
Tại phiên họp, các đại biểu nghe cơ quan chuyên môn của Bộ Thông tin và Truyền thông trình bày: Thực trạng tình hình phát triển kinh tế số và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; tỉ trọng kinh tế số trong GRDP của 63 địa phương; giải pháp nâng cao tỉ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh để thúc đẩy kinh tế số và thảo luận về giải pháp phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực…
 Theo số liệu ước tính sơ bộ của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỉ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trên GDP năm 2022 là 14,26% (cao hơn 1,7 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022), trong đó kinh tế số công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) vẫn là trụ cột đóng góp chính với tỉ trọng đóng góp 9,02% GDP và tác động lan tỏa của ICT đóng góp vào các ngành, lĩnh vực khác là 5,24%. Trong hoạt động kinh tế số ICT, Việt Nam được đánh giá là điểm hấp dẫn của hoạt động gia công phần mềm khi xếp thứ 29 thế giới về kỹ năng lập trình, thuộc nhóm top 10 bảng xếp hạng các quốc gia phát triển phần mềm tốt nhất thế giới. Trong hoạt động của các ngành, lĩnh vực kinh tế khác, nhóm các hoạt động kinh tế có mức độ lan tỏa của ICT nhiều nhất là: Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ; hoạt động của các cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, công tác quản lý Nhà nước, an ninh quốc phòng, bảo đảm xã hội bắt buộc; giáo dục và đào tạo; kinh doanh, buôn bán…
Tại phiên họp, các đại biểu tham luận nhằm nhận diện và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đối với các bộ, ngành, địa phương như: Xây dựng công cụ đo lường, giám sát, quản trị để thúc đẩy kinh tế số; hoàn thiện khung chiến lược về phát triển kinh tế số và hình thành các trung tâm chuyển đổi số vùng; xác định và thúc đẩy triển khai nền tảng chuyển đổi số ngành, lĩnh vực; thúc đẩy tỉ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh tại các địa phương…
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, để đạt mục tiêu kinh tế số chiếm tối thiểu 20% vào năm 2025 như Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra, ước tính kinh tế số phải tăng trưởng gấp 3 - 4 lần tăng trưởng GDP, tức là khoảng 20 - 25%/năm. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, thách thức, cần có giải pháp đột phá mới có thể đạt được. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chủ trì xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, cùng với các bộ chủ quản ngành, lĩnh vực xác định vai trò, vị trí pháp lý của các nền tảng số, giám sát góp phần bảo đảm kinh tế số Việt Nam phát triển bền vững, lành mạnh…
Phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Hưng Yên, đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh cho rằng, kinh tế số của tỉnh đã có những thành tựu bước đầu. Năm 2022, tỉnh ta xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố về đóng góp của kinh tế số/GRDP; kinh tế số đóng góp 9,29% GRDP; top 5 địa phương có doanh thu hoạt động viễn thông cao nhất cả nước; xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố về số thuê bao điện thoại sử dụng điện thoại thông minh… Bên cạnh những kết quả tích cực, kinh tế số của tỉnh vẫn còn những hạn chế như: tỉnh ta hiện nay đang nằm trong nhóm 5 địa phương ghi nhận mức độ lan tỏa ICT trong các ngành, lĩnh vực thấp nhất cả nước. Do vậy, để đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Duy Hưng yêu cầu, các sở, ngành, địa phương phải quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số của tỉnh và của từng ngành, lĩnh vực, địa phương. Sở Thông tin và Truyền thông thường xuyên cập nhật, bổ sung các mục tiêu, kế hoạch của trung ương và tùy theo tình hình thực tế để tham mưu UBND tỉnh cập nhật, bổ sung, điều chỉnh kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh; các sở, ngành, địa phương thúc đẩy thực hiện các giải pháp không dùng tiền mặt; tuyên truyền, thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao tỉ lệ thuê bao điện thoại sử dụng điện thoại thông minh gắn với sử dụng dịch vụ công trực tuyến; phát huy vai trò của ngành, lĩnh vực trong hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp số…
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan