KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin trong tỉnh
Đăng ngày: 24/07/2024 - Lượt xem: 183
Khoái Châu: Chăm lo đời sống người có công với cách mạng

Xác định việc chăm lo đời sống người có công (NCC) với cách mạng là một trong những hoạt động trọng tâm của công tác đền ơn, đáp nghĩa, những năm qua, huyện Khoái Châu đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Thực hiện đầy đủ chính sách ưu đãi của nhà nước với NCC; huy động nguồn lực xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa; hỗ trợ NCC về nhà ở, việc làm, dạy nghề; hỗ trợ, tạo điều kiện cho NCC về ứng dụng khoa học, kỹ thuật, cây, con giống, tiếp cận vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, mang lại hiệu quả cao. Với sự hỗ trợ của địa phương và ý chí, nghị lực vươn lên, cuộc sống các gia đình NCC với cách mạng ngày càng được cải thiện rõ rệt.


Hỗ trợ xây nhà ở cho thân nhân liệt sĩ tại xã Đông Ninh (Khoái Châu)

Nhằm bảo đảm mục tiêu mức sống của gia đình thương binh, liệt sĩ và NCC luôn bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú, ngoài thực hiện tốt chính sách của Nhà nước, thời gian qua, huyện tích cực tuyên truyền, vận động các gia đình NCC nêu cao ý chí tự lực, tự cường vươn lên làm giàu chính đáng; đa dạng hóa các hình thức phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống. Đồng thời thường xuyên hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm của các tập thể, cá nhân làm kinh tế giỏi, giúp nhau giảm nghèo thông qua các buổi tuyên truyền, vận động. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho NCC tham gia lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật do các ngành, đoàn thể tổ chức, tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả, từ đó giúp NCC tiếp cận với tiến bộ khoa học, kỹ thuật để áp dụng vào mô hình sản xuất, kinh doanh bảo đảm phù hợp với khả năng và sức khỏe của bản thân. Qua đó, tận dụng tiềm năng, thế mạnh của gia đình, địa phương mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Từ nguốn vốn được vay và sự hỗ trợ từ các hội, đoàn thể, đến nay, ở huyện xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi có quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như mô hình trang trại nuôi lợn khép kín mang lại thu nhập hơn 500 triệu đồng mỗi năm của thương binh Nguyễn Duy Nghĩa, thôn Thọ Bình, xã Tân Dân. Chia sẻ về hành trình vượt khó làm giàu của mình, ông Nghĩa cho biết: “Năm 1977, hoàn thành nghĩa vụ, tôi trở về quê hương với mức thương tật hạng 3/4. Năm 2008, được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương và Hội Cựu chiến binh xã, tôi được hỗ trợ vay 8 triệu đồng từ nguồn quỹ chi hội và 20 triệu đồng của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Khoái Châu để phát triển chăn nuôi lợn. Từ đàn lợn giống 10 con, đến nay tôi nuôi khoảng 100 con lợn nái sinh sản, mỗi tháng xuất bán ra thị trường hơn 100 con giống.” Không chỉ năng động trong sản xuất, ông Nghĩa còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở địa phương, tận tình giúp đỡ nhiều đồng đội và các hộ chăn nuôi về giống, kỹ thuật chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình. 

Đồng chí Đỗ Xuân Huấn, Chủ tịch UBND xã Tân Dân cho biết: Để hỗ trợ NCC phát triển kinh tế gia đình, hiện nay, các hội, đoàn thể địa phương đang tạo điều kiện cho hơn 100 NCC, thân nhân NCC tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi. Đồng thời, xã thường xuyên tuyên truyền, vận động các hộ gia đình có điều kiện kinh tế khá trở lên hỗ trợ NCC về vật tư nông nghiệp, vốn, ngày công lao động để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. 

Hiện nay, huyện Khoái Châu có trên 2,8 nghìn NCC đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng. Thời gian qua, huyện tập trung triển khai và chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thực hiện đúng, đầy đủ, chu đáo các chế độ chính sách; tập trung giải quyết những tồn đọng về xác nhận, công nhận người tham gia hoạt động kháng chiến, NCC với cách mạng. Các chính sách ưu đãi ngày càng được thực hiện đồng bộ, toàn diện, đa dạng, gồm: Trợ cấp, phụ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần và các chế độ ưu đãi khác, như: Hỗ trợ y tế, giáo dục, trang cấp dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng… Cùng với đó, hoạt động hỗ trợ xây nhà ở tình nghĩa cho NCC, thân nhân NCC có hoàn cảnh khó khăn cũng được huyện quan tâm. Từ năm 2023 đến nay, huyện phối hợp thực hiện hỗ trợ xây mới, sửa chữa 173 căn nhà ở cho NCC với cách mạng, hộ nghèo, nạn nhân chất độc hóa học khó khăn về nhà ở trên địa bàn. 

Được hỗ trợ sửa chữa nhà với số tiền hơn 100 triệu đồng từ ngân sách và nguồn xã hội hóa, ngôi nhà khang trang rộng gần 70m2 của gia đình bà Nguyễn Thị Vượng, thị trấn Khoái Châu là vợ liệt sĩ đã được hoàn thiện và bàn giao vào đầu tháng 7 năm nay. Bà Vượng chia sẻ: Trong quá trình sửa chữa nhà, tôi nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể địa phương. Chế độ trợ cấp hằng tháng, quà tặng vào các dịp lễ, tết đều được chính quyền địa phương và bưu điện chi trả, tặng đầy đủ, hỗ trợ gia đình tôi bảo đảm cuộc sống.

Đồng chí Dương Duy Tuyển, Phó Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Khoái Châu cho biết: Năm 2023, Ban quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp huyện, cấp xã đã vận động các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân… tham gia đóng góp, ủng hộ xây dựng quỹ với số tiền trên 1 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, năm 2024, huyện có kế hoạch hỗ trợ sửa chữa 10 nhà ở cho hộ gia đình có công với cách mạng khó khăn về nhà ở. Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực NCC; tiếp tục phát động sâu rộng phong trào đền ơn, đáp nghĩa, chăm sóc NCC với cách mạng, tạo điều kiện thuận lợi để các thương binh, bệnh binh, NCC, gia đình chính sách phát huy ý chí tự lực, tự cường, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần…

Nguồn: https://baohungyen.vn

Tin liên quan