KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin trong tỉnh
Đăng ngày: 29/05/2024 - Lượt xem: 691
Giám sát chuyên đề tình hình thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường tại Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh và Sở Y tế

* Ngày 28/5, Tổ giám sát số 1 thuộc Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh do đồng chí Lê Xuân Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát làm Tổ trưởng thực hiện giám sát chuyên đề tình hình thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường giai đoạn 2021 – 2024 tại Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT).
Các đại biểu dự buổi giám sát tại Sở TN&MT
Theo báo cáo của Sở TN&MT, từ năm 2021 đến nay, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về môi trường được Sở thực hiện thường xuyên, hiệu quả. Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường có chuyển biến tích cực. Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về môi trường được tăng cường. Từ năm 2021 đến hết tháng 4 năm 2024, Sở TN&MT thực hiện 13 cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại 78 đơn vị và xử phạt 55 đơn vị có hành vi vi phạm với tổng số tiền gần 4 tỷ đồng. Công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, rác thải, nước thải được chú trọng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 5 khu xử lý chất thải, rác thải sinh hoạt tập trung có đơn vị chủ đầu tư với tổng công suất xử lý khoảng 1.500 tấn/ngày đêm. Môi trường tại các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ đã được đầu tư, xử lý chất thải; môi trường nông nghiệp, nông thôn được quan tâm xử lý giảm thiểu ô nhiễm.
Tuy nhiên, tình trạng đổ, đốt rác gây ô nhiễm môi trường chưa được ngăn chặn triệt để; việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình chưa đạt so với chỉ tiêu đề ra; đầu tư lò đốt rác thải còn chậm; còn 18% lượng rác thải sinh hoạt chưa được thu gom, xử lý hợp vệ sinh; tình trạng ô nhiễm nguồn nước hệ thống sông Bắc Hưng Hải trên địa bàn tỉnh. Tỉnh còn 2 làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa hoàn thành xử lý triệt để...
Các đại biểu khảo sát thực tế tại Trung tâm Quan trắc - Thông tin TNMT trực thuộc Sở TN&MT
Tại buổi giám sát, các thành viên Tổ giám sát đề nghị Sở TN&MT làm rõ thêm về phương án giải quyết lượng rác thải tồn đọng chưa qua xử lý; tình trạng chất thải, nước thải chăn nuôi thải trực tiếp ra hệ thống thoát nước của khu dân cư và hệ thống thủy lợi; việc thu gom, xử lý chất thải y tế; kinh phí đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm...
Kết luận buổi giám sát, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Xuân Tiến yêu cầu: Sở TN&MT tăng cường phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; tập trung rà soát, nghiên cứu tham mưu với tỉnh các giải pháp, phương án giải quyết lượng rác thải tồn đọng chưa qua xử lý; có giải pháp cụ thể khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao...
Trong chương trình làm việc, Tổ giám sát số 1 tiến hành khảo sát thực tế tại Trung tâm Quan trắc - Thông tin TN&MT trực thuộc Sở TN&MT.
* Cùng ngày, Tổ giám sát số 1 thuộc Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh do đồng chí Lê Xuân Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát làm Tổ trưởng thực hiện giám sát chuyên đề tình hình thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường giai đoạn 2021 – 2024 tại Công an tỉnh.
Các đại biểu dự buổi giám sát tại Công an tỉnh
Theo báo cáo của Công an tỉnh, từ năm 2021 đến nay, Công an tỉnh đã tập trung lực lượng, phương tiện, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nắm chắc tuyến, địa bàn, lĩnh vực, đối tượng trọng điểm về vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; xây dựng các kế hoạch chuyên đề tập trung đấu tranh có hiệu quả, kịp thời phát hiện các vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; kịp thời tham mưu, đề xuất các cấp có thẩm quyền chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực cung cấp thông tin, tài liệu cho các cơ quan chức năng về các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường để xử lý theo quy định. Kết quả, từ năm 2021 đến hết tháng 3 năm 2024, Công an tỉnh đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 1.073 vụ vi phạm về môi trường, xử lý 1.086 trường hợp vi phạm, phạt tiền 14,6 tỷ đồng.
Tại buổi giám sát, các thành viên Tổ giám sát đề nghị Công an tỉnh làm rõ thêm về kết quả đấu tranh, phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường; việc bố trí lực lượng cảnh sát môi trường thuộc công an cấp huyện; công tác phối hợp giữa lực lượng công an và các ngành, địa phương trong thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường...
Phát biểu tại buổi giám sát, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Xuân Tiến đề nghị: Trong thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm về môi trường; tăng cường phối hợp với các ngành, địa phương xử lý kịp thời, hiệu quả tin tố giác tội phạm; tăng cường trinh sát các tuyến, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, nhất là tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất, làng nghề; xử lý nghiêm các trường hợp bao che, làm ngơ cho hành vi vi phạm pháp luật về môi trường; quan tâm đào tạo, củng cố lực lượng cảnh sát môi trường có chuyên môn, nghiệp vụ cao…
* Ngày 28/5, Tổ giám sát số 2 thuộc Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh do đồng chí Trần Thị Tuyết Hương, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm Tổ trưởng đã thực hiện giám sát chuyên đề tình hình thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường giai đoạn 2021 – 2024 tại Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh.
Các đại biểu dự buổi giám sát tại Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh
Theo báo cáo của Ban Quản lý các KCN tỉnh, thời gian qua, ban thường xuyên thực hiện tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường cho các chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu công nghiệp dưới nhiều hình thức. Trong giai đoạn 2021 - 2024, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã trực tiếp giải quyết tranh chấp đối với khoảng 23 lượt phản ánh về việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường của doanh nghiệp. Năm 2024, Ban Quan lý các KCN tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh xử phạt vi phạm về bảo vệ môi trường đối với 3 doanh nghiệp với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2021 - 2024, ban đã phối hợp với các ngành, đơn vị chuyên môn tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với 29 doanh nghiệp, trong đó các cơ quan chức năng đã xử phạt 24 doanh nghiệp với số tiền trên 10 tỷ đồng với các vi phạm chủ yếu: Xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, xả nước thải vượt tiêu chuẩn của KCN, xả nước thải vào hệ thống thoát nước, không thu gom triệt để chất thải nguy hại...
Tuy nhiên trong các KCN vẫn tồn tại một số trường hợp doanh nghiệp chưa thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường; còn một số doanh nghiệp có hành vi vi phạm về quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại; việc thu gom và xử lý nước thải, khí thải chưa đạt yêu cầu.
Khảo sát thực tế công trình xử lý nước thải ở KCN Thăng Long II
Các thành viên tổ giám sát đề nghị Ban Quản lý các KCN tỉnh làm rõ một số nội dung: Công tác kiểm tra, giám sát về bảo vệ môi trường trong sản xuất công nghiệp; xây dựng và vận hành các công trình thu gom, xử lý nước thải công nghiệp; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp...
Phát biểu tại buổi giám sát, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Thị Tuyết Hương đề nghị Ban Quản lý các KCN tỉnh rà soát, đánh giá cụ thể thực trạng các công trình thu gom, xử lý chất thải, nước thải tại các KCN trong tỉnh. Trong thời gian tới kiểm soát tốt các nguồn thải từ các KCN, tăng cường kiểm tra công tác thu gom và xử lý chất thải, nước thải trong các KCN. Thực hiện quan trắc môi trường tại các KCN và các doanh nghiệp theo quy định. Tham mưu với cấp có thẩm quyền trong tiếp nhận dự án thân thiện với môi trường, từ chối các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Rà soát, lập danh sách các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong các KCN.
Trong chương trình làm việc, tổ giám sát tiến hành khảo sát thực tế tại một số công trình thu gom, xử lý nước thải công nghiệp tại các khu công nghiệp trong tỉnh.
* Cùng ngày, Tổ giám sát số 2 thuộc Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh đã thực hiện giám sát chuyên đề tình hình thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường giai đoạn 2021 – 2024 tại Sở Y tế.
Tổ giám sát khảo sát thực tế việc xử lý nước thải tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Theo báo cáo của Sở Y tế, hiện nay, chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh tại bệnh viện, trung tâm y tế, các cơ sở tế công lập được lưu chứa trong các bao bì, dụng cụ, thiết bị bảo đảm theo quy định. Các loại chất thải rắn y tế phát sinh tại bệnh viện, trung tâm y tế, các cơ sở công lập được phân loại để quản lý ngay tại nơi phát sinh bảo đảm không ảnh hưởng đến khu vực chăm sóc người bệnh và các khu vực khác trong cơ sở y tế theo quy định. Hiện nay, toàn tỉnh có 15 cơ sở y tế công lập có hệ thống xử lý nước thải. Các cơ sở y tế tuyến tỉnh và tuyến huyện đều ký hợp đồng với đơn vị chuyên môn trong việc vận chuyển, xử lý rác thải y tế nguy hại.
Tuy nhiên, hiện nay nguồn kinh phí chi thường xuyên cho công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh nói chung và xử lý chất thải y tế nói riêng còn hạn chế. Nguồn ngân sách bố trí cho việc duy tu, bảo trì, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải y tế và vận hành hệ thống thu gom xử lý nước thải y tế chưa đáp ứng nhu cầu cần thiết. Kiến thức của cán bộ ngành y tế về công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế. Công tác thu gom, phân loại, xử lý chất thải y tế của các phòng khám tư nhân trên địa bàn tỉnh chưa được đầy đủ.
Các thành viên tổ giám sát đề nghị Sở Y tế làm rõ một số nội dung: Việc đầu tư và vận hành các công trình thu gom xử lý chất thải, nước thải y tế; việc thực hiện thu gom và xử lý nước thải tại các cơ sở y tế công lập; kiểm soát môi trường tại các cơ sở y tế tư nhân; công tác bảo đảm môi trường, cảnh quan tại các cơ sở y tế...
Tổ giám sát số 2 đề nghị Sở Y tế quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở y tế trong tỉnh, nhất là việc xây dựng các công trình xử lý nước thải, thu gom và xử lý triệt để chất thải y tế phát sinh hằng ngày, bảo vệ cảnh quan môi trường; phối hợp với các ngành, đơn vị chuyên môn thường xuyên giám sát, bảo đảm hiệu quả vận hành các công trình bảo vệ môi trường tại cơ sở y tế. Tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm về môi trường tại các cơ sở y tế…
Tổ giám sát đã tiến hành khảo sát thực tế tại một số công trình thu gom, xử lý nước thải, chất thải của các cơ sở y tế trong tỉnh.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan